Đến với Sóc Trăng, du khách không thể bỏ qua món bánh cống và bún nước lèo đặc trưng.
Bánh cống giòn rụm
Lần đầu tiên tới Sóc Trăng, bạn dễ gặp những xe bán bánh cống vàng rộm ở dọc đường hay trong các khu chợ. Đây chính là món bánh quen thuộc của đồng bào Khmer.
Điều đặc biệt của bánh cống nằm ở chỗ, nguyên liệu làm vỏ bánh không phải là bột mì hay bột gạo, mà nó là sự hòa quyện giữa đậu nành và gạo. Hai nguyên liệu này đều phải chọn loại ngon, ngâm nước cho nở đều. Gạo được xay thành bột nước, nêm chút muối, đường cho vỏ bánh được đậm đà. Đậu xanh hấp chín, nguyên hạt. Nhân bánh làm từ thịt heo với tôm bóc vỏ bằm nhuyễn.
Lý giải tên gọi bánh cống, khuôn làm bánh bằng nhôm hình tròn, trên có tay cầm để khi đổ bánh dễ dàng cho việc vớt, người Sóc Trăng gọi là cống. Khi dầu sôi, người làm bánh nhúng khuôn vào trong chảo để khi đổ bột bánh không bị dính. Đổ một nửa bột vào khuôn sau đó cho đậu xanh, nhân thịt tôm vào đổ tiếp một nửa bột lên trên, đặt hai con tôm bên cạnh nhúng khuôn bánh xuống chảo dầu đang sôi.
Khi thấy khuôn bánh nổi lên là đã chín, dùng que tre hoặc dao cạy nhẹ khuôn lấy bánh ra, lật trên chảo dầu thêm lần nữa cho chín vàng đều, vớt lên vỉ để ráo dầu.
Bánh cống- món ăn không thể bỏ qua khi ghé Sóc Trăng. Ảnh: Ngọc Quí. |
Bánh cống ăn kèm rau sống và nước mắm chua ngọt, bánh đậm đà giòn rụm cùng vị thanh mát của rau. Chỉ đơn giản vậy thôi mà lưu luyến những du khách yêu thích khám phá văn hóa Khmer.
Bánh cống được bán ở nhiều chỗ tại Sóc Trăng, nhưng ngon nhất là ở chính nơi được cho là nguồn gốc của nó - ngã ba đường vào chợ Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (cách TP Sóc Trăng khoảng 8 km). Mỗi chiếc bánh cống có giá 8.000 đồng.
Bún nước lèo đậm đà
Hương vị đặc trưng của bún nước lèo Sóc Trăng là nhờ mắm bò hóc, một loại mắm đặc trưng của người Khmer làm bằng cá lóc, cá trê đồng, tôm, tép tươi đem ủ muối từ 6 tháng trở lên. Để nấu nước lèo, đầu tiên phải rã mắm trong nước sôi, chờ thịt mắm tan ra hết, sau đó lọc bỏ xương mắm lấy nước riêng.
Nước lèo được nấu bằng xương ống, xương sườn lợn, tôm ninh nhỏ lửa trong nước, hớt bọt để lấy nước dùng trong, ngọt. Hoặc nước lèo nấu từ củ cải trắng và thêm nước dừa tươi cho có độ ngọt thanh, sau đó nấu chung với nước mắm đã lọc xương ở trên. Nước lèo ngoài các hương vị như: sả đập dập, ớt… đặc biệt không thể bỏ sót vài tép ngải bún, một loại cây gia vị đặc biệt của người Khmer.
Ngải bún bên cạnh việc khử mùi tanh của mắm, còn gia tăng hương thơm cho nồi nước lèo. Góp phần vào thành công của món ăn này là loại bún của Sóc Trăng, được làm từ loại gạo dẻo, tốt nhất là gạo mùa, ngâm nước qua đêm rồi xay trong cối đá dạng bột nước. Qua quá trình chế biến, tạo thành những sợi bún trong, dẻo thơm.
Bún nước lèo Sóc Trăng mang đậm nét ẩm thực Khmer. Ảnh: Má Lúm. |
Người bán hàng chần bún qua nước lèo xong, cho vào tô, xếp lần lượt cá, tôm, thịt quay, thêm chút hẹ, giá và múc nước lèo rưới lên bún. Bún nước lèo được ăn kèm với rau muống chẻ, giá sống, bắp chuối bào nhỏ, chuối xắt ghém… thêm ít lá rau húng, rau quế, ớt sừng trâu chín đỏ xắt lát xéo. Tô bún có mùi thơm của sả, ngải bún, vị mặn đậm đà của mắm và chút giòn của thịt heo quay, dai dai của tôm, mùi hơi hăng của rau thơm.
Về Sóc Trăng, bạn có thể ghé ăn bún nước lèo ngon ở đường Võ Đình Sâm, Lê Hồng Phong (TP Sóc Trăng) hoặc thị trấn Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên) với giá 20.000 - 25.000 đồng một tô.
Xem thêm: Mì sụa - món ăn của người Hoa ở Sóc Trăng
Má Lúm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét