Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Phát triển du lịch: "Trông người mà ngẫm ta"

Muốn du lịch phát triển bền vững thì ngoài chiến lược đầu tư bài bản, cần có cách làm sáng tạo nhằm phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng. Nhìn vào kinh nghiệm từ một số nước như Malaysia, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản - những quốc gia Châu Á có cách làm du lịch thông minh - có thể là những gợi mở thiết thực cho phát triển du lịch Việt Nam.

 

Phat trien du lich: "Trong nguoi ma ngam ta"
Du khách tham quan khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình). Ảnh: Văn Mạnh

Đa dạng, sáng tạo

Bà Chong Yoke Har, Phó Tổng giám đốc Cục Xúc tiến du lịch Malaysia chia sẻ bí quyết khiến Malaysia có được vị trí dẫn đầu các nước Đông Nam Á về du lịch: Ngoài việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng như đường sá, các trung tâm mua sắm hiện đại, công trình nhân tạo tráng lệ, Malaysia còn tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, đẳng cấp quốc tế với mức giá cạnh tranh.

Chiến lược được thực hiện nhất quán, đó là tập trung cho du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao mạo hiểm và du lịch mua sắm. Mỗi năm, Malaysia tổ chức những chiến dịch mua sắm với 3 đợt giảm giá "khủng", mỗi đợt kéo dài từ một tháng trở lên nhằm thu hút khách. Chính phủ Malaysia cũng tạo lập một hệ thống y tế cạnh tranh về chất lượng và chi phí. Chi phí khám bệnh ở Malaysia có thể rẻ hơn một nửa so với Singapore mà chất lượng không chênh nhau nhiều. Malaysia cũng đặc biệt chú trọng phát triển ẩm thực, hướng đến sự đa dạng để đáp ứng nhu cầu của du khách.

"Đến Malaysia, bạn có thể thưởng thức các món ăn của người Hoa, người Ấn hoặc của người dân địa phương. Tại Kuala Lumper, nơi đã được đô thị hóa mạnh mẽ, du khách dễ dàng chọn món ăn Âu, Mỹ nhưng cũng có thể tìm ra món ăn của Thái Lan hoặc Việt Nam", bà Chong Yoke Har nói trong một hội thảo về phát triển du lịch được tổ chức tại Hà Nội.

Thái Lan cũng có cách làm du lịch sáng tạo, mục tiêu nhất quán là khiến khách hài lòng, muốn quay trở lại. Không chỉ miễn visa cho khách đến từ 55 quốc gia, bao gồm tất cả các quốc gia phát triển, Thái Lan còn duy trì chính sách thuế ưu đãi. Những người đến Thái Lan bằng visa du lịch sẽ được hoàn thuế giá trị gia tăng với mức 7%. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch là phần việc được cơ quan quản lý Thái Lan quan tâm hàng đầu. Các hướng dẫn viên du lịch Thái Lan được đào tạo ngoại ngữ một cách bài bản, thông thường một người biết đến 3 ngoại ngữ. Thế nên, nhiều du khách thực sự "mát lòng mát dạ" khi được phục vụ bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

Nhật Bản có nhiều cách thu hút khách quốc tế, mạnh tay đầu tư cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Theo ông Ito Kazuhiro, Trưởng đại diện Văn phòng JNTO (Cơ quan Du lịch quốc gia Nhật Bản) tại Bangkok, trong nhiều năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản liên tục thực hiện các chiến dịch "B to B" tại nước ngoài, tức là mời các công ty du lịch tới khảo sát thị trường Nhật Bản. Đặc biệt, người Nhật thường tổ chức cho những người nổi tiếng và giới truyền thông các nước sang thăm, làm chương trình quảng bá du lịch. Bên cạnh đó là các hoạt động "B to C", tức mở hội chợ, hội nghị, hội thảo chuyên đề du lịch để khách hàng trực tiếp cảm nhận sự hấp dẫn của Nhật Bản. Hiện tại, tỷ lệ giữa những chiến dịch "B to B" và "C to C" là 50/50, nhưng, trong thời gian tới, tỷ lệ này sẽ là 30/70, có nghĩa là du lịch Nhật Bản sẽ ngày càng hướng trực tiếp vào khách du lịch.

Lời gợi ý có ích

Có sự khác nhau nhất định trong cách làm du lịch giữa Việt Nam và các quốc gia nói trên. Chẳng hạn, trong khi Malaysia giữ slogan "Malaysia - Châu Á đích thực" từ năm 1999 đến nay thì từ năm 2001 đến 2012, Việt Nam đã thay slogan tới 4 lần, bao gồm: "Việt Nam - Điểm đến mới của Thiên niên kỷ", "Hãy đến với Việt Nam", "Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn", "Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận". Theo đánh giá của nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, slogan của ta khá tĩnh tại, mang tính ngưng đọng và có phần thiếu sức sống.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Lân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đánh giá việc quảng bá của du lịch Việt Nam khá rời rạc. "Ở tầm vĩ mô, chất lượng quảng bá du lịch trong những năm gần đây đã phần nào được cải thiện nhưng ở tầm vi mô, các doanh nghiệp chưa phối hợp với nhau để tạo thành một sức mạnh tổng hợp. Nhiều doanh nghiệp thậm chí không để tâm tới việc xây dựng chiến lược quảng bá riêng", ông Nguyễn Quang Lân nhận định.

Sự thiếu chủ động khiến ngành Du lịch Việt Nam chậm chân, dù có thừa ý tưởng. Gần đây, sau một chuyến công tác tại Thái Lan, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nói rằng ông đã giật mình khi nhìn thấy khẩu hiệu "Thailand: Kitchen of the World" (Thái Lan: Bếp ăn của thế giới) ở sân bay Bangkok. Ý tưởng xây dựng "bếp ăn của thế giới" được cho là xuất phát từ Phillip Kothler, một chuyên gia marketing hiện đại, vốn không xa lạ với du lịch Việt Nam, đã được bàn tới trong một khoảng thời gian dài. Tuy vậy, khi chúng ta vẫn loay hoay "bàn bạc" thì Thái Lan đã hiện thực hóa ý tưởng giá trị này một cách bài bản.

Những năm gần đây, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngành du lịch của các quốc gia trên thế giới đều gặp khó khăn. Tuy vậy, ngành du lịch ở nhiều nước vẫn có sự tăng trưởng ấn tượng, chẳng hạn như Malaysia. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới, năm 2010, Malaysia là một trong 10 nước trên thế giới có lượng khách du lịch quốc tế đến nhiều nhất với 24,5 triệu lượt. Năm 2014, dù gặp hai thảm họa hàng không nhưng ngành du lịch nước này vẫn thu hút tới 27,5 triệu lượt khách.

Thành quả du lịch là sự cộng dồn của nhiều yếu tố. Kinh nghiệm làm du lịch bài bản, sáng tạo, chủ động ở một số quốc gia Châu Á có thể là lời gợi ý tích cực để chúng ta tham khảo. 

VietBao.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét