Sở hữu một chiếc nhẫn lông đuôi voi là mong muốn của nhiều du khách khi đến Tây Nguyên, đặc biệt là khu vực Buôn Đôn, Đắk Lắk. Tuy nhẫn được bày bán phổ biến nhưng việc phân biệt thật giả vẫn là thách thức với hầu hết du khách.
Dễ dàng tìm mua nhẫn lông đuôi voi
Câu chuyện truyền miệng về tình yêu chung thủy với sự giúp đỡ của Thần Voi khiến nhiều du khách đến Tây Nguyên tìm kiếm để sở hữu chiếc nhẫn lông đuôi voi. Bởi thế khi thăm Buôn Đôn cuối năm 2015, Bích Ngọc, một du khách TP HCM hỏi ngay nơi bán món đồ trang sức này. Cô cho biết trong quầy lưu niệm có rất nhiều mặt hàng như chuông gió bằng tre trúc, tượng voi bằng đồng hoặc gỗ… nhưng cô đặc biệt chú ý tới tủ kính bày đồ trang sức có gắn lông đuôi voi.
Tại đây, du khách sẽ được chủ hàng giới thiệu những chiếc nhẫn lồng sẵn lông đuôi có các mức giá khác nhau. Nhẫn bằng bạc khoảng 150.000 - 200.000 đồng, cao cấp hơn thì 600.000 - 800.000 đồng, nhẫn bằng vàng có thể lên đến cả triệu đồng. Nếu chưa tin tưởng, khách có thể mua những chiếc lông đuôi voi được bán riêng, sau đó lồng nhẫn, mỗi sợi có giá 200.000 - 300.000 đồng.
Hầu hết cửa hàng lưu niệm đều bày bán các sản phẩm làm từ lông đuôi voi. Bên cạnh đó còn các sản phẩm như ngà, móng của các động vật khác. Ảnh: Huỳnh Thu |
Không tìm mua nhưng Huyền Anh (Hà Nội) khi đến thăm thành phố Buôn Ma Thuột cũng được bác sống ở đây tặng một đôi nhẫn lông đuôi voi làm kỷ niệm. Huyền Anh cho biết bác không mua nhẫn lồng sẵn, mà tặng một chiếc lông đuôi voi (cũng được người khác tặng) và dẫn cô đến cửa hàng trong thành phố để chọn nhẫn sau đó lồng vào. "Giá nhẫn lồng sẵn lông đuôi voi đắt hơn khoảng 200.000 - 400.000 đồng nhưng bác tôi muốn dùng lông đuôi voi rõ nguồn gốc để yên tâm không mua phải hàng giả”, Huyền Anh kể lại.
Cũng dễ mua phải hàng giả
Sợ mua phải hàng giả là tâm lý chung của hầu hết du khách khi tìm kiếm sản phẩm có gắn lông đuôi voi. Anh Tuấn Quyền, một người làm trong ngành du lịch và từng đến Buôn Ma Thuột khảo sát nhiều lần cho biết: “Khi xưa, nài voi (người điều khiển) lúc tắm và chải lông cho voi, lông nào rụng thì họ thu nhặt để bán lại cho ai thích sưu tầm. Còn bây giờ do nhiều người tìm mua nên lông đuôi voi lên giá. Chính vì vậy mà dẫn đến nạn làm lông giả”. Theo anh, lông đuôi voi giả làm bằng nhựa tổng hợp, nhưng khi lồng vào nhẫn rồi rất khó để kiểm tra.
Để mua được lông đuôi voi thật, nhiều du khách phải nhờ người quen ở Tây Nguyên tìm giúp hoặc đặt hàng chủ voi và mua tại chỗ. Tuy nhiên, dù mua theo kiểu “mắt thấy tay sờ” nhưng du khách vẫn có thể mất tiền oan. "Theo lời người địa phương, làm gì có đủ lông đuôi voi thật. Toàn làm mềm sừng trâu bò xong cho vào máy tách sợi, dán keo dính vào đuôi voi giả mạo lông bán cho du khách", một du khách từng đến Buôn Đôn cảnh báo.
Huỳnh Thu, một người con của Đắk Lắk, từng là hướng dẫn viên du lịch còn khẳng định đa phần lông đuôi voi trên thị trường hiện nay là giả bởi lượng voi không còn nhiều. Theo số liệu thống kê của Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, hiện số voi nhà ở đây chỉ còn khoảng 50 con. Cô cho biết du khách khi đến các khu du lịch ở Buôn Đôn hay hồ Lắk, nếu để ý sẽ thấy đuôi voi không còn lông. Để phân biệt lông thật và giả có thể nhìn vào màu sắc.
"Màu lông thật không đen bóng, bẻ không gãy, mà dai chứ không giòn. Nhưng nó xơ, sợi lông có thể có những vết xước sợi li ti trên cọng lông lớn", Thu nói.
Voi H’Túc tại khu du lịch thác Bảy Nhánh trơ trụi lông đuôi. Ảnh: Huỳnh Thu |
Huỳnh Thu cho hay, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các chủ tiệm còn nhập lông voi ở Lào hay Campuchia, thậm chí là châu Phi, vì thế "lông sẽ có sợi to và dài hơn". Mỗi sợi lông đuôi voi họ thu được lợi nhuận khoảng 50.000 - 200.000 đồng, tùy thuộc vào kích thước và chiều dài, cũng như nguồn lấy.
Xem thêm: Bí ẩn về huyền thoại lông đuôi voi Tây Nguyên
Vy An
0 nhận xét:
Đăng nhận xét