Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Chuyên gia chỉ cách đi du lịch an toàn sau sự cố chìm tàu Sông Hàn

Ngành du lịch, nhất là du lịch biển đang vào mùa cao điểm, chính vì vậy rất nhiều phương án, biện pháp được các chuyên gia trong ngành du lịch đưa ra nhằm giúp du khách có một mùa du lịch an toàn sau sự cố chìm tàu sông Hàn, (Đà Nẵng) vừa qua.

TIN LIÊN QUAN

Công bố đường dây nóng phản ánh việc chở quá tải

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc kinh doanh Công ty du lịch TransViet Travel, "Ngày 4/6, vụ tai nạn chìm tàu trên sông Hàn xảy ra vô cùng đáng tiếc và đau buồn. Vụ việc này sẽ ảnh hưởng xấu đến du lịch Đà Nẵng và làm xấu thêm bức tranh về du lịch thủy và du lịch nói chung ở Việt Nam. Sự việc cho thấy tình trạng phổ biến chở quá tải trọng bất chấp an toàn để thu lợi nhuận và sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng".

Chuyen gia chi cach di du lich an toan sau su co chim tau Song Han
Chìm tàu du lịch trên sông Hàn ngày 4/6

Theo ông Đạt, "Nguyên nhân xác định ban đầu là do tàu không bảo đảm chất lượng (được hoán đổi từ tàu cá sang) chở khách du lịch không phép, đã từng bị chìm cách đây 2 năm. Hơn nữa tàu cũng chở quá số người quy định.

Ngoài ra, khách lên tầng 2 làm trọng tâm tàu nâng cao. Tàu không đủ áo phao và phao để cứu hộ và không kịp thời sử dụng phương tiện cứu hộ.

Khách đi du lịch cũng tự mua trực tiếp, chọn giá vé rẻ, chất lượng tàu không bảo đảm. Khách thấy tàu nhỏ, đông người, quá tải trọng mà vẫn lên tàu. Bản thân hành khách cũng vô cùng chủ quan".

Ông Đạt cho biết, thực tế chuyên chở hành khách tại Việt Nam bằng ô tô hay tàu vào dịp cao điểm thường bị tình trạng nhồi nhét khách để thu lợi, bất chấp thiếu an toàn.

Vì vậy theo ông Đạt, Thời gian này các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra và xử phạt nặng những tàu đang vi phạm về tải trọng, về an toàn khi lưu thông. Cần quy định các tàu chở khách phải ghi rõ nơi dễ nhận biết trên tàu thông tin tải trọng có thể chở. Như vậy, hành khách và cơ quan chức năng dễ giám sát tình trạng chở quá tải.

“Đặc biệt, cần công bố đường dây nóng để người dân phản ánh các trường hợp vi phạm chở quá tải.

Cần có quy định các thuyền phải có hướng dẫn của tàu cho khách về các biện pháp an toàn và sử dụng phương tiện cứu hộ. Hành khách trước khi lên tàu nên quan sát và không nên lên các tàu có khả năng ko an toàn: tàu bé, mục nát, chở quá số người quy định, không có đủ áo phao, phao cứu hộ.

Người không biết bơi và trẻ em nên cần phải mặc áo phao (trong nhiều trường hợp thì ngay cả người biết bơi cũng phải mặc áo phao như đi cano, tàu cao tốc… hoặc trong các trường hợp cảm nhận nguy hiểm…). Gia đình, nhà trường cần chú trọng dạy và học môn bơi một cách thực chất để tránh các tai nạn đuối nước đáng tiếc”, ông Đạt nhấn mạnh.

Lựa chọn công ty du lịch, hãng lữ hành chuyên nghiệp

Theo bà Trần Thị Bảo Thu, GĐ. Tiếp thị & Truyền thông, Công ty Fiditour thì cho rằng: “Sự việc lật tàu đáng tiếc ở Đà Nẵng vừa qua thể hiện việc quản lý còn lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của chủ kinh doanh và sự chủ quan của khách đi tàu. Tuy nhiên, những tai nạn này là có thể tránh được, do đó, không nên tẩy chay hoặc thành kiến với giao thông đường thủy trong lúc du lịch đường sông đang là mũi đột phá của nhiều địa phương, nhất là miền Tây Nam Bộ”.

Chuyen gia chi cach di du lich an toan sau su co chim tau Song Han
Cần chọn những hãng lữ hành uy tín khi du lịch đường thủy. Ảnh minh họa

Để có một chuyến đi an toàn, bà Thu khuyến cáo: “Khách du lịch cần cân nhắc chọn những công ty du lịch lữ hành chuyên nghiệp có danh tiếng và uy tín trong ngành. Trách nhiệm của những công ty tour chuyên nghiệp là luôn chọn lọc những dịch vụ, đối tác có chất lượng tốt để xây dựng chương trình tour an toàn cho du khách.

Một điều đáng quan tâm nữa là bảo hiểm du lịch. Chi phí này không lớn nhưng nhiều khi du khách bỏ qua vì nghĩ không cần thiết. Đây cũng là một cơ sở để đánh giá chất lượng phục vụ của nhà làm tour, bảo hiểm du lịch luôn được bắt buộc đưa vào tour đối với các đơn vị lữ hành uy tín, đặt vấn đề an toàn của du khách lên hàng đầu.

Đặc biệt, an toàn du lịch đường thủy là vấn đề mà nhiều du khách quan tâm hiện nay. Đối với các tour có phương tiện đi lại là tàu thuyền, hướng dẫn viên cần đảm bảo du khách được trang bị đầy đủ áo phao và hướng dẫn cách thoát hiểm trước khi xuất phát.

Về phía hành khách, trước khi tàu xuất bến, phải mặc áo phao đúng kỹ thuật. Có thể nóng nực một chút nhưng đảm bảo an toàn. Cũng đừng vì để chụp ảnh đẹp mà đánh cược tính mạng bản thân. Nếu không có áo phao, du khách có quyền từ chối không xuống tàu”.

Cần đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám Đốc Công ty HanoiRedtours thì do đặc điểm mùa này là mùa du lịch cao điểm nhất là du lịch biển nhưng cũng là mùa nước nổi, nên thời tiết thường có những bất thường. Chính vì vậy,  việc quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước cần sát sao và thể hiện vai trò của mình hơn nữa.

Ông Hoan cho hay, “Chỉ có cơ quan quản lý nhà nước mới biết những tàu thuyền nào đủ điều kiện an toàn và có chứng nhận cấp phép để vận chuyển du khách”.

Chuyen gia chi cach di du lich an toan sau su co chim tau Song Han

Trong quá trình di chuyển, nếu đông người, du khách nên ngồi đều hai bên để tàu dễ dàng di chuyển, tránh nghiêng, lật, tránh để tay lên hông tàu vì sẽ rất dễ bị thương khi tàu va chạm với các tàu khác. Ảnh minh họa.

Ngoài sự quản lý của cơ quan nhà nước, ông Hoan cũng nêu bật vai trò của các công ty du lịch.

“Với công ty HanoiRedtours khi chọn phương tiện đường thủy cho khách đi du lịch thì chúng tôi thường hợp tác với các đối tác lớn bởi họ là những đơn vị khai thác thường xuyên, đảm bảo độ an toàn. Hơn nữa họ có giấy phép kinh doạnh, có bảo hiểm và có nội quy, quy định chặt chẽ để du khách thực hiện”, Ông Hoan nói.

Ông Hoan cho rằng, "Có một hạn chế thường mắc phải là khi vào mùa du lịch cao điểm, các tàu hoạt động liên tục, nhiều, lượng khách quá đông nên không thể đáp ứng. Vì vậy lúc này sẽ xuất hiện các tàu dù. Đó là những tàu chưa đủ tiêu chuẩn vẫn đưa vào khai thác, tàu hàng ngày phục vụ mục đích khác được cải tạo chở khách mang tính mùa vụ. Thực ra những tàu này có lợi thế là giá rẻ nhưng chất lượng thì ít được kiểm soát. Hơn hết bản thân họ cũng không hề có kinh nghiệm phục vụ du khách".

Vì vậy theo ông Hoan, "Khi các công ty du lịch nhận khách lên tàu , cần yêu cầu du khách tuân thủ nội quy, quy định tàu, quy định an toàn hàng hải và sự chỉ dẫn của người quản lý điều hành tàu như: mặc các thiết bị bảo hộ, ngồi đúng vị trí, không chạy nhảy, di chuyển nhiều trên tàu.

Cần nghiêm cấm việc hút thuốc lá trên tàu bởi đó chính là một trong những nguy cơ gây cháy nổ trên tàu.”.

Việc Ông Hoan luôn trăn trở nhiều nhất chính là làm sao để đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm cho du khách trong trường không may xảy ra.

“Người dân hay du khách đều cần được đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm khi tàu có thể bị cháy nổ, bị lật, bị chìm. Lúc đó họ cần phải làm gì, có phương án tự cứu mình ra sao. Để có thể thực hiện điều này thì vai trò của các hướng dẫn viên cũng vô cùng quan trọng. Ngoài việc cập nhật kiến thức thường xuyên thì khi họ nói chuyện với khách cũng phải khôn khéo mang tính kể chuyện chứ không mang tính dạy khôn. Đây là điều khiến tôi luôn trăn trở”, ông Hoan nói.

VietBao.vn

TIN LIÊN QUAN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét