Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Đồ nghề leo núi của 8X ngã hang sâu nhất Việt Nam

Từng chinh phục hơn 20 hang động lớn, nhỏ tại Việt Nam, Tạ Nam Long chia sẻ những kinh nghiệm hay cũng như tiết lộ chi phí đồ nghề khi đam mê trải nghiệm thám hiểm hang động.

Phóng viên Zing.vn đến gặp anh Tạ Nam Long tại nhà riêng vào một chiều sau 3 tháng xảy ra tai nạn. Anh Long ra đón chúng tôi với nụ cười tươi, niềm nở nói: “Chỉ 2 tháng nữa tôi bình phục hoàn toàn. Ngọn lửa đam mê chinh phục trong tôi chưa bao giờ tắt”.

Anh Long kể, hơn 2 năm trước, anh là người thích đi phượt và đam mê trải nghiệm. Một lần, anh được bạn rủ khám phá hang nước ở Thanh Hóa. Hai người đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị. Từ đó, anh bắt đầu yêu thích thám hiểm hang động, tìm hiểu và lập Hội thám hiểm hang động Việt Nam. Tới nay, nhóm đã có hơn 1.800 thành viên trên mạng xã hội, 40 thành viên thường xuyên tham gia các chuyến đi thám hiểm và cũng là nhóm thám hiểm hang động người Việt đầu tiên tại Việt Nam.

Do nghe leo nui cua 8X nga hang sau nhat Viet Nam
Tạ Nam Long bắt đầu tham gia thám hiểm hang động cách đây 2 năm.

Anh Long cho biết: “Nhóm đều đặn tổ chức hai tuần đi một hang. Những hang dễ sẽ có khoảng 30 - 40 thành viên tham gia. Hang khó, nguy hiểm hơn chỉ 5 người có thể lực, kỹ năng tốt nhất được trải nghiệm. Sau 2 năm thành lập, nhóm đã đi được 20 hang”.

Tạ Nam Long (sinh năm 1981, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là trưởng nhóm thám hiểm hang động Cống Nước (Lai Châu) với độ sâu 600 m. Trước đây, đoàn thám hiểm của anh đã chinh phục thành công hang Địa Ngục sâu 300 m, hang Ong sâu 400 m tại Hà Giang, top 6 trong các hang sâu nhất Việt Nam. Sau tai nạn hồi tháng 3 tại hang Cống Nước, Nam Long được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức và hiện đang trong quá trình hồi phục.

Chi phí không nhỏ

Để theo đuổi đam mê, chàng trai sinh năm 1981 tiết lộ: “Đây là môn khá nguy hiểm, vì vậy các thiết bị bảo đảm an toàn rất quan trọng và cần được trang bị đầy đủ. Chi phí cho mỗi bộ đồ bảo hộ cá nhân có giá khoảng 10 triệu đồng. Đồ đoàn của tôi hiện này trị giá hơn 70 triệu đồng, bao gồm dây chịu lực, các thiết bị điện tử (bộ đàm, máy ảnh chịu nước, máy quay chịu nước, máy đo độ sâu,…), đai bảo hộ, móc bảo hộ, đèn đeo chán, mũ bảo hộ, áo phao... Tất cả đều là đồ chuyên dụng, được đặt mua tại nước ngoài”.

Do nghe leo nui cua 8X nga hang sau nhat Viet Nam
Những món đồ nghề có chi phí cao phục vụ cho những chuyến thám hiểm của Tạ Nam Long.

Thời gian đầu, các thành viên còn khá dè dặt khi phải bỏ ra một số tiền lớn mua đồ bảo hộ, trang thiết bị. Sau một vài chuyến đi, mọi người đều nhận thấy được sự cần thiết và trang bị đầy đủ để đảm bảo an toàn, trong đó, đồ nghề cơ bản bắt buộc cần có khi khám phá các hang động là mũ bảo hộ, đèn đeo trán chịu nước, túi chống nước và áo phao.

Kỹ năng sống còn

Để chuẩn bị cho những chuyến thám hiểm hang động có độ khó, nguy hiểm cao như hang Cống Nước (Lai Châu), hang Ong (Hà Giang), hang Địa Ngục (Hà Giang), Nam Long và các thành viên thường trải qua thời gian tập luyện, chuẩn bị đồ đạc kéo dài 6 tháng.

Lời khuyên của chàng trai 8X này dành cho người muốn trở thành một nhà thám hiểm hang động là nên tham gia vào hội, nhóm thám hiểm để các thành viên có thể chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và cùng nhau khám phá những hang động từ dễ đến khó; rèn luyện, học tập những kỹ năng như định hướng khi bị lạc, đánh giá tình hình, phân công công việc, cứu hộ, y tế, các kiến thức về leo núi, đu dây, buộc dây…

Do nghe leo nui cua 8X nga hang sau nhat Viet Nam
Những trang thiết bị điện tử như bộ đàm, máy đo độ sâu... rất cần thiết cho mỗi chuyến đi.

Nhà thám hiểm 8X nhấn mạnh, với bộ môn này, người chơi cần có đủ sức khỏe, không bị các bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp. Trước khi lên đường, phải tìm hiểu kỹ hang động sắp thám hiểm, kiểm tra đồ đạc, theo dõi dự báo thời tiết đề phòng lũ, bị kẹt trong hang, mang theo đồ y tế tránh chấn thương mất máu.

Tạ Nam Long cho biết, anh đã có 2 sai lầm liên tục, dẫn tới tai nạn ngã xuống hố sâu 50 m khi thám hiểm hang Cống Nước: là trưởng đoàn nhưng anh không phải người xuống hang đầu tiên ở đoạn gặp hố sâu 10 m, và người đi trước quên neo dây khi hết mép đá. Trong phút thiếu tỉnh táo, anh dùng dây bảo hiểm buộc hành lý mà không có dây cứu hộ dự phòng. Ngay sau đó, anh bị rơi xuống hố sâu 50 m, bị chấn thương cột sống, gãy xương đùi. Anh phải nằm bất động tại chỗ một ngày một đêm, cho tới khi được đội cứu hộ đưa ra khỏi hang. 

Trong quá trình thám hiểm, đoàn phải để lại thông tin liên lạc và thời gian dự kiến ra khỏi hang. Các thành viên kiểm tra chéo tư trang, đồ đạc, kỹ thuật cho nhau. Đặc biệt, thành viên không tự ý tách đoàn đi theo nhóm riêng, hoặc đi một mình trong hang mà không có sự đồng ý của trưởng đoàn.

Khi có nguy hiểm, xảy ra tai nạn, anh Nam Long khuyên: “Bạn nên bình tĩnh, nếu bị lạc thì ngồi yên tại chỗ, dùng còi để gọi đồng đội tới. Trong trường hợp bị nước dâng ngập, ta cần tìm chỗ cao để trú, hạn chế vận động, tiết kiệm năng lượng. Các thành viên trong đoàn cần cử một người ở lại với người bị nạn, kèm theo nhiều đồ ăn, thức uống, những người còn lại đi theo nhóm ra khỏi hang tìm người trợ giúp”.

Ngoài ra, khi chuẩn bị tư trang nên lưu ý, không mặc quần bò (quần bò ngấm nước sẽ rất nặng, ảnh hưởng đến việc leo trèo) hoặc quần áo chật; nên mang đồ mau khô, quần áo dài tay để tránh trầy xước. Bạn cũng không nên đi dép tông hoặc dép quay hậu dễ trơn trượt. Các đồ quan trọng như điện thoại, đồ điện tử dùng túi ni lông bọc kỹ, sau đó để vào túi hoặc balo chống nước. Nước trong hang không nên sử dụng vì có thể chứa ký sinh trùng và nguyên nhân gây bệnh. Cuối cùng, hãy mang theo những đồ ăn nhẹ nhưng nhiều năng lượng, carbonhydrate như nho khô, mít sấy, chocolate, sữa đặc, đồ hộp...

VietBao.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét