Nếu bạn đang phân vân về quà tặng dành cho các thiên thần nhân ngày 1/6, bạn có thể chọn cách đưa các bé yêu của mình đến làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) để các bé có thể khám phá làng nghề truyền thống, cũng có thể tự tay vuốt, nặn, vẽ các sản phẩm gốm thủ công...
Điều thú vị là khi trực tiếp trải nghiệm tại đây, bạn sẽ thấy "vuốt, nặn, vẽ" không chỉ khiến trẻ con thích thú, mà thanh thiếu niên và kể cả người lớn cũng thích được tự mình trải nghiệm.
Làng gốm Bát Tràng nằm ven Sông Hồng thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Bát Tràng có nghĩa là Cái Sân Lớn, là mảnh đất dành cho chuyên môn. Tên Bát Tràng được hình thành từ thời Lê, đó là sự hội nhập giữa 5 dòng họ gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát xứ Thanh với dòng họ Nguyễn ở đất Minh Tràng.
Năm dòng họ lớn gồm các họ Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã nhóm họp và quyết định đưa một số nghệ nhân, thợ gốm và gia đình con cháu dời làng di cư về phía kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp. Họ dừng chân tại vùng 72 gò đất trắng làng Minh Tràng. Ngày nay làng gốm Bát Tràng chuyên sản xuất các gốm sứ với nhiều công năng khác nhau từ: đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ cúng, sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ, v.v.v.
Tại đây các dòng họ vẫn giữ được chất nghề do cha ông truyền lại, khiến các sản phẩm đều có nét đặc trưng và tinh xảo riêng. Sản phẩm gốm sứ cũng từ đó được biết đến xa gần, xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới.
Đi đến làng gốm Bát Tràng như thế nào?
Xe bus: có lẽ là tiện nhất và rẻ nhất. Từ các điểm trong Thành phố Hà Nội bạn đi xe bus ra bến trung chuyển Long Biên, sau đó bắt xe 47 đi Bát Tràng. Lên xe và ngồi ung dung cho tới làng gốm.
Xe máy hoặc phương tiện cá nhân khác: bạn qua cầu Chương Dương hoặc cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì sau đó rẽ phải đi men theo đê Sông Hồng, khi nào gặp biển báo làng gốm Bát Tràng thì là tới. Rất dễ đi!
Đường Sông: cuối tuần đều có chuyến du lịch Sông Hồng bằng đường sông đi qua làng gốm Bát Tràng, đền Chử Đồng Tử. Giá tour này khoảng 350k – 400k / khách.
Du lịch làng gốm Bát Tràng
Nếu đi xe bus thì bạn sẽ đi bộ từ đầu làng, đi qua các nhà bán gốm sứ, đi sâu vào trong làng thì tới khu chợ gốm. Nếu đi xe máy thì bạn phi thẳng vào chợ gốm, sau đó vào 1 nhà có dịch vụ nặn gốm, bạn chơi ở đó, sau khi nặn gốm xong thì sẽ phải đợi để sấy khô. Trong thời gian đó bạn cứ để xe đó, xin gửi nhờ, rồi đi loanh quanh tham quan làng và chợ.
Ngoài đi bộ loanh quanh trong làng thì bạn có thể lựa chọn hình thức đi xe trâu, giá khoảng 150.000 đồng – 200.000 đồng/ xe chở được khoảng 10 người. Thường thì cái này khách nước ngoài đi nhiều. Hiện nay ít khách đi không biết có còn dịch vụ này không nữa. Xe trâu sẽ đưa du khách đi xung quanh làng.
Chơi nặn gốm
Có khá nhiều gia đình cung cấp dịch vụ này. Đây là cách bạn chơi và tìm hiểu cách thức và công đoạn làm gốm. Cách chơi khá đơn giản: chủ nhà đưa cho bạn 1 cục đất to đùng, hơi ẩm 1 chút, cung cấp cho bạn 1 bàn xoay, tiếp đến bạn đặt cục đất giữa bàn xoay và thỏa thích tạo hình cho cục đất đó. Đa số các bạn sẽ làm cốc, làm bát, làm những đồ dùng thường ngày hình tròn. Nếu bạn khéo tay thì có thể nặn hình thù các con vật.
Sau khi nặn xong, bạn chuyển sang công đoạn hong khô sản phẩm, mất khoảng 30 phút, trong thời gian này bạn có thể đi chơi hoặc ăn trưa. Kế tiếp bạn tới công đoạn tô vẽ, trang trí cho sản phẩm. Và cuối cùng người thợ sẽ sơn phủ bóng bên ngoài để giữ cho sản phầm được bền hơn với thời gian.
Chi phí cho mỗi sản phẩm là 40.000 đồng, nếu đi theo đoàn từ 10 người trở lên, giá là 30.000 đồng. Nếu bạn tô màu xong mà muốn xịt bóng để giữ màu cho sản phẩm thì phải trả thêm 10.000 đồng cho một sản phẩm.
Chị Liên, chủ một cửa hàng "vuốt, nặn, vẽ" cho biết, hầu như các cửa hàng ở đây đều nhận tour và nhận cả khách lẻ vào trải nghiệm với gốm. Tuy nhiên, khách đi lẻ sẽ có lợi hơn khách đoàn vì chủ cơ sở sẽ hướng dẫn được chi tiết hơn.
Chợ Bát Tràng
Chợ có bán đầy đủ nhiều loại mặt hàng, chia thành các gian hàng nhỏ bày bán đủ loại mặt hàng thủ công mỹ nghệ liên quan đến gốm sứ, từ những gian hàng bát đĩa cao cấp, đồ trang trí mĩ nghệ đẹp mắt cho đến mặt hàng đồ thờ cúng, tiểu cảnh non bộ cho đến những món đồ lưu niệm, cốc chén và các món bát đĩa bình dân. Các bạn nếu có nhu cầu mua sắm thì nên vào chợ, không nên mua ở ngoài, giá cả có thể đắt hơn 1 chút.
Có khá nhiều gia đình làm gốm sứ dọc đường từ đầu làng vào tới tận trong chợ. Bạn có thể ngó nghiêng và vào 1 trong số đó. Khi thăm quan các gia đình này bạn có thể hỏi họ thêm về qui trình làm gốm, lịch sử hình thành, hoặc đơn giản chỉ xem họ làm thôi.
Ăn gì ở Bát Tràng
Gần khu chợ gốm sứ có khá nhiều hàng quán, bạn có thể thưởng thức món bún chả ở đây cũng khá ngon, ngoài ra cũng có nhiều món ăn khác như bánh tẻ thơm 6.000 đồng/cặp, bánh sắn, bánh khoai lang 5.000 đồng/ chiếc.
Trúc Dân (Ảnh: Lam Nguyên, Kuma Nguyễn)
VietBao.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét